TP Quảng Ngãi: 19 địa điểm ngập, thoát nước chậm

|

Cứ sau mưa lớn là nhiều tuyến đường ở TP Quảng Ngãi bị ngập.

TP Quảng Ngãi hiện có gần 104km đường ống thoát nước và 6,5km tuyến kênh, 2 hồ điều hòa là Bàu Cả và Nghĩa Chánh. Thế nhưng, khi mưa lớn, nhiều tuyến đường thường xuyên bị ngập, lưu thông khó khăn. Nguyên nhân là hệ thống thoát nước xây dựng từ trước năm 2000, hệ thống nhỏ, thoát chậm và còn nhiều bất cập.

Theo khảo sát UBND TP Quảng Ngãi, trên 9 phường của thành phố có khoảng 19 địa điểm ngập phân bố tại 5 lưu vực.

9 phường của TP Quảng Ngãi có khoảng 19 địa điểm ngập phân bố tại 5 lưu vực

Cứ sau mưa lớn là nhiều tuyến đường thành phố lại ngập

Để hạn chế tình trạng ngập, UBND TP Quảng Ngãi cũng đã đầu tư một số dự án giải quyết căn bản 19 điểm ngập; trong đó, hoàn thành ngầm hóa tuyến mương đất từ đường Lê Lợi đến chợ Nghĩa Lộ, thoát nước đường Nguyễn Công Phương (đoạn từ Ngã 5 cũ-Ngã 5 mới) để xử lý ngập cho đường Nguyễn Công Phương.

Cạnh đó, nâng cấp, chỉnh trang các trục đường chính trên địa bàn thành phố; chủ trương đầu tư dự án xử lý thoát nước đường Quang Trung (đoạn từ Nguyễn Nghiêm đến hồ điều hòa Bàu Cả) và thoát nước đường Nguyễn Văn Linh (đoạn từ chợ Hàng Rượu đến mương Bàu Sắt).

Ở khu vực phía Nam, UBND TP phối hợp Sở Xây dựng, Sở NN-PTNT và UBND huyện Tư Nghĩa kiểm tra hiện trạng để có kế hoạch khơi thông dòng chảy sông Phước Giang nhằm chia bớt lưu lượng nước đổ về sông Bàu Giang. Đồng thời xử lý thu dọn, khơi thông dòng chảy đoạn qua thành phố, giảm thiểu ngập úng cho vùng hạ lưu sông Bàu Giang.

UBND TP Quảng Ngãi chỉ đạo rà soát tổng thể điều chỉnh, bổ sung các tuyến thoát nước chính cần thiết, kết nối đồng bộ hệ thống thoát nước vào đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu trung tâm thành phố theo kịch bản biến đổi khí hậu.

Theo ông Trà Thanh Danh, Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi, trước mùa mưa bão năm nay, thành phố đã chỉ đạo thực hiện nạo vét khơi thông hệ thống thoát nước, các tuyến cống chính, các cửa xả và một số tuyến thoát nước trên địa bàn, dự kiến hoàn thành trước ngày 5-10. Đồng thời, khi mưa lớn, thành phố bố trí lực lượng tại các vị trí thường xuyên bị ngập để dỡ tấm đan hố ga, hố thu nhằm tăng khả năng thoát nước, giảm thời gian ngập úng cho khu vực.