Bãi rác tự phát trên những chiếc cầu

|

Theo phản ánh của bạn đọc, nhiều chiếc cầu ở khu vực giáp ranh giữa các khu phố, phường, xã trên địa bàn TPHCM đang dần trở thành bãi rác tự phát. Những bãi rác này không chỉ cản trở người đi đường mà còn gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan đô thị.

Cầu, đường thành... bãi rác tự phát

Mỗi ngày đi qua cầu Bùi Đình Túy nối giữa phường 12 và phường 26 (quận Bình Thạnh), nhiều người đi đường phải che mũi, bước thật nhanh để tránh những đống rác trên cầu. Rác chất trên cầu đủ các loại, từ túi ni lông đựng rác thải sinh hoạt đến đồ dùng gia đình như chăn, chiếu, nệm. Nhiều gia đình sửa chữa nhà còn bỏ xà bần vào bao tải rồi mang ra chất cả đống trên cầu. Bãi rác tự phát giữa cầu không chỉ cản trở người đi đường mà còn bốc mùi hôi nồng nặc, ảnh hưởng đến môi trường, sinh hoạt của người dân.

Bãi rác tự phát trên cầu Rạch Chùa Lớn, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TPHCM

Cách cầu Bùi Đình Túy không xa, cầu Chu Văn An (quận Bình Thạnh) cũng bị biến thành bãi rác lộ thiên. Nơi đây gần điểm tập kết rác của khu vực nên phần lớn là rác thải có khối lượng lớn như các vật dụng sinh hoạt gia đình, vật liệu thải loại khi sửa chữa nhà…

Ông Nguyễn Phước Sơn, khách uống cà phê tại quán cạnh chân cầu Chu Văn An, cho biết, nhiều hôm giữa ban ngày, có người đi xe máy, ăn mặc chỉn chu thản nhiên dừng xe giữa cầu, ném bao rác xuống như chốn không người. Không chỉ người đi xe máy, xe đạp, thậm chí có cả người lái xe hơi cũng chở bao rác lớn đến cầu bỏ rác.

Nằm trên con đường huyết mạch, cầu Đinh Bộ Lĩnh giữa phường 24 và phường 26 (quận Bình Thạnh) cũng trở thành bãi rác tự phát quy mô khá lớn. Rác ở đây phần nhiều là những tấm chăn, nệm cũ và các vật dụng gia đình như chân bàn, ghế các loại. Vào giờ cao điểm, phương tiện lưu thông nhiều, lề cầu đã bị chiếm dụng làm nơi chứa rác nên người đi bộ phải đi xuống lòng cầu, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Chị Phan Thị Huyền, nhà ở phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ, hàng ngày chị vẫn đi tuyến đường Đinh Bộ Lĩnh vào trung tâm thành phố làm việc và không khỏi chạnh lòng khi đi qua cầu. Bởi bên cạnh thùng nước trà đá miễn phí dành cho người đi đường là những đống rác thải, bốc mùi hôi thối. Người thành phố vốn dĩ hào sảng, giàu tình người, nhưng đâu đó vẫn còn không ít người thiếu ý thức biến cầu đường thành điểm bỏ rác thải.

Không chỉ những chiếc cầu ở các phường 12, 24 và 26 của quận Bình Thạnh mà nhiều cầu trên bàn thành phố cũng bị biến thành điểm bỏ rác thải như cầu Bông trên đường Đinh Tiên Hoàng - Lê Văn Duyệt, nối quận 1 với quận Bình Thạnh, cầu Rạch Chùa Lớn vùng ngoại thành ở ấp 5, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè…

Trách nhiệm thuộc về ai?

Thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TU ngày 19-10-2018 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về thực hiện cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước” đã mang lại nhiều kết quả tích cực, làm cho hệ thống đường sá, kênh rạch trên địa bàn thành phố xanh, sạch và đẹp hơn. Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại một thực tế đáng buồn, nhiều chiếc cầu nơi giáp ranh giữa các phường xã, quận huyện đã trở thành... bãi rác tự phát. Trong khi đó, chính quyền các địa phương vẫn chưa có biện pháp phối hợp xử lý hiệu quả, có nơi còn đùn đẩy trách nhiệm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Minh Hiếu, Chủ tịch UBND phường 26 (quận Bình Thạnh, TPHCM), thừa nhận, các cầu Bùi Đình Túy, Chu Văn An, Đinh Bộ Lĩnh trên địa bàn nằm giáp ranh với các phường bạn vẫn còn tồn tại tình trạng người dân mang rác đổ trên cầu. Đối tượng xả rác thường là những người mua bán phế liệu, người dân dọn nhà... chờ đêm tối mang rác ra cầu bỏ nên rất khó phát hiện. Phường 26 đã kiểm tra và xử lý nhiều trường hợp nhưng nạn đổ rác trên cầu vẫn tái diễn.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Mai, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường 12 (quận Bình Thạnh), nguyên nhân của tình trạng bỏ rác thải trên các cầu khó kiểm soát, kéo dài là do đối tượng vi phạm không phải là người địa phương nên khó khăn trong công tác quản lý, tuyên truyền cũng như xử lý. Các địa phương có phối hợp hành động nhưng chưa nhịp nhàng, nên dẫn đến việc phường ra quân kiểm tra, xử phạt thì đối tượng vi phạm lại bỏ rác sang phần cầu của phường bạn. Trong khi đó, mức xử phạt hành vi xả rác trái quy định còn quá nhẹ nên không đủ sức răn đe.

Sau hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TU, các quận huyện đã xây dựng được nhiều mô hình để chuyển hóa không ít địa bàn ô nhiễm, hầu hết các tuyến đường, kênh rạch trên địa bàn thành phố đã sạch, đẹp hơn. Trong khi phần lớn các gia đình, cán bộ khu phố, phường xã nỗ lực thực hiện làm sạch, đẹp cho địa bàn, thì những “hạt sạn” như bãi rác tự phát trên cầu cản trở lưu thông, gây ô nhiễm và làm mất mỹ quan đô thị cần được xóa bỏ.