Giữ vững mặt trận tư tưởng - văn hoá
Sáng 18-12, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật (NXB) tổ chức Hội thảo “Xây dựng chiến lược sách quốc gia Việt Nam”. Các đồng chí: PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Phó Giám đốc – Phó Tổng Biên tập NXB; Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông đồng chủ trì hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành Nguyễn Nguyên cho rằng, trong bối cảnh thế giới ngày càng biến động, khó lường thì sách – một sản phẩm văn hóa, đã được nhiều nước biến thành một công cụ thực hiện “sức mạnh mềm” để chi phối các giá trị của quốc gia mình với các quốc gia khác. Do đó, để bảo vệ sự độc lập toàn vẹn của Tổ quốc hôm nay, bên cạnh việc “chắc tay súng” thì còn cần phải làm chủ, giữ vững mặt trận tư tưởng - văn hoá, trong đó có xuất bản.
Cách đây 15 năm, Chỉ thị 42 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản đã nêu chủ trương “xây dựng chương trình quốc gia xuất bản các loại sách thiết yếu về chính trị - xã hội và văn hóa”. Đó là nhiệm vụ song cũng là định hướng lớn cho xuất bản phát triển.
Trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ này cần được thực hiện với một tinh thần mới. Từ những chương trình sách riêng lẻ của Trung ương, của các bộ, ngành và địa phương, đã đến lúc chúng ta cần có một Chiến lược sách quốc gia với tầm nhìn cho 10, 20 thậm chí 30 năm nữa.
Cục trưởng Nguyễn Nguyên mong muốn, thông qua việc tổ chức hội thảo sẽ mở ra một diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý hoạt động thực tiễn trao đổi, chia sẻ kết quả nghiên cứu, định hướng phát triển hoạt động xuất bản, đồng thời có những kiến giải hướng đến xây dựng một Chiến lược sách quốc gia.
Quang cảnh hội thảo "Xây dựng chiến lược sách quốc gia Việt Nam".
Hội thảo đã nhận được hơn 40 tham luận của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý hoạt động thực tiễn về các chủ đề: cơ hội phát triển và những thách thức tác động đến ngành xuất bản Việt Nam; thực trạng hoạt động xuất bản, in và phát hành; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ biên tập, xuất bản; quan điểm, định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ xây dựng chiến lược sách quốc gia Việt Nam đến năm 2030.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã nghe trình bày trực tiếp một số tham luận và thảo luận, trao đổi những vấn đề xoay quanh việc xây dựng chiến lược sách quốc gia.
Hoạt động xuất bản đạt nhiều kết quả quan trọng nhưng còn bộc lộ hạn chế
Theo Báo cáo đề dẫn hội thảo, những năm qua, hoạt động xuất bản nước ta đã có sự chuyển mình mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả quan trọng, ý nghĩa. Dù chưa được như kỳ vọng nhưng sau 15 năm, kể từ khi có Chỉ thị 42-CT/TW được ban hành (năm 2004), mức hưởng thụ sách bình quân trên đầu người đã tăng đáng kể.
Tính đến hết năm 2019, nếu tính cả lượng sách nhập khẩu (khoảng 45 triệu bản), thì bình quân đã đạt 4,6 bản/người/năm, gấp 1,6 lần so với năm 2004. Doanh thu toàn ngành xuất bản đạt khoảng 2.600 tỷ đồng, gấp sáu lần về quy mô so với 2004.
Lực lượng in, phát hành sách phát triển mạnh với gần 2.000 cơ sở in, 14.000 cơ sở phát hành, trong đó có trên 1.800 công ty phát hành, gần 300 đơn vị tham gia vào hoạt động liên kết xuất bản.
Đã xuất hiện một số công ty phát hành sách, công ty sách uy tín với thương hiệu mạnh, tham gia tích cực vào hoạt động liên doanh, liên kết, trở thành động lực huy động các nguồn lực xã hội, tạo điều kiện thực hiện nhiều công trình sách lớn, có giá trị, đồng thời góp phần để các nhà xuất bản tích lũy các lợi ích kinh tế, tạo ra một môi trường xuất bản năng động.
Thị trường sách điện tử nước ta phát triển còn chậm, không như kỳ vọng.
Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, hoạt động xuất bản nước ta còn bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém. Số lượng tên sách được xuất bản hằng năm đã có bước phát triển nhưng chưa bền vững. Mức hưởng thụ bình quân sách/đầu người của nước ta tuy đã có bước tiến mạnh nhưng còn thấp so với yêu cầu, không thực hiện được mục tiêu đạt 6 bản/người vào năm 2010 theo tinh thần của Chỉ thị số 42.
Cơ cấu sách ở nước ta còn bất hợp lý, là vấn đề đáng quan ngại trong bối cảnh nước ta đang xây dựng kinh tế tri thức, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bên cạnh đó, chất lượng một số mảng sách chưa cao, sách điện tử phát triển chậm không như kỳ vọng, chưa có sự chuyển dịch phù hợp, đáp ứng yêu cầu xây dựng văn hóa đọc trong thời đại kỷ nguyên số.
Năng lực và tiềm lực của ngành Xuất bản nhìn chung yếu, đặc biệt là các nhà xuất bản. Theo thống kê báo cáo, doanh thu toàn ngành nhìn chung rất thấp. Năm 2019, tổng doanh thu của các nhà xuất bản trong cả nước chỉ đạt 2.600 tỷ đồng. Trong đó, còn có nhà xuất bản doanh thu dưới 2 tỷ đồng/năm.
Hệ thống phát hành dù phát triển nhanh nhưng còn tiềm ẩn nhiều vấn đề. Rõ nét nhất là tình trạng thiếu sách ở một số địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.
Đặc biệt, khuynh hướng thương mại hóa, chạy theo lợi nhuận đơn thuần chưa bị đẩy lui mà tiếp tục có những biểu hiện mới phức tạp hơn, nhất là trong hoạt động liên kết.
Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành – Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 12-2019, tổng số bản sách điện tử mới vào khoảng 2.400 tựa sách nhưng lượt truy cập cũng mới chỉ ở mức 1,5 triệu lượt. Hiện mới chỉ có 6/59 nhà xuất bản được cấp xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử.
* Xuất bản sách điện tử: Thị trường còn bỏ ngỏ