Dệt may: Xuất khẩu tăng, nội địa ''đuối''

|

NDO - NDĐT - Năm 2012, lần thứ tư liên tiếp, ngành dệt may dẫn đầu những ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, tại thị trường trong nước, ngành hàng này lại chưa đạt được những kết quả như ý.

Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng

Số liệu công bố tại lễ tổng kết tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dệt may Việt Nam Vinatex ngày 8-1-2013, tại Hà Nội cho biết, năm 2012, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt khoảng 17,2 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ 2011. Như vậy, nếu so sánh con số tăng trưởng 8,5% của năm 2012 với 38% của năm 2011 thì rõ ràng, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2012 có dấu hiệu giảm rõ rệt. Tuy nhiên, theo ông Lê Tiến Trường – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nếu đặt con số này giữa bối cảnh chung của toàn ngành dệt may thế giới thì rõ ràng, thành tích của ngành dệt may năm nay hoàn toàn không thấp.

Cụ thể, năm 2012, do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, kim ngạch xuất khẩu dệt may cũng bị ảnh hưởng bởi giá xuất khẩu của năm nay xuống thấp hơn so với năm 2011 từ 7 – 8%, thậm chí có mặt hàng thấp hơn đến 10%. Điều này chứng tỏ, dù kim ngạch chỉ đạt tăng trưởng 8,5% nhưng sản xuất hoàn toàn không giảm so với năm 2011. Bên cạnh đó, dù nhu cầu nhập khẩu dệt may nói chung tại nhiều thị trường lớn có dấu hiệu chững lại, thậm chí giảm sút nhưng hàng dệt may Việt Nam nhập khẩu vào các thị trường này vẫn tăng trưởng ổn định. Cụ thể, mặc dù nhập khẩu dệt may nói chung vào thị trường Mỹ giảm 0,5% nhưng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn tăng 9,2%, đạt 7,5 tỷ USD; Nhập khẩu dệt may nói chung vào Hàn Quốc giảm 7% nhưng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn tăng 9%, đạt 1,3 tỷ USD; Nhập khẩu dệt may nói chung vào Nhật Bản tăng 8% nhưng nhập khẩu từ Việt Nam tăng đến 19,3%, đạt hai tỷ USD. Nhóm các thị trường khác như Châu Phi, Trung Đông… vẫn duy trì được mức tăng trưởng từ 3,17 tỷ USD của năm 2011 lên 3,77 tỷ USD cho năm 2012, tăng trưởng khoảng 19%.

Như vậy, khi đặt trong bối cảnh suy giảm chung của ngành dệt may toàn thế giới, thành tích tăng trưởng 8% của ngành dệt may Việt Nam hoàn toàn không phải là điều dễ dàng có được. Việc giữ vững tốc độ tăng trưởng tại các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã giúp ngành dệt may tạo đà để mở rộng sang các thị trường tiềm năng khác như Châu Phi, Trung Đông... Đặc biệt, năm 2012 là năm đầu tiên kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Hàn Quốc vượt qua mốc một tỷ USD, đưa dệt may trở thành nhóm ngành hàng có bốn thị trường trọng điểm nằm trong 25 thị trường có kim ngạch xuất khẩu hơn một tỷ USD gồm Mỹ, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc. Riêng với thị trường Mỹ, kim ngạch xuất khẩu dệt may đã đóng góp 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này. Với thành tích như vậy, năm 2012 cũng là năm thứ tư liên tiếp ngành dệt may đứng đầu trong các nhóm ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất nước ta.

Năm 2012 cũng ghi nhận sự cố gắng của nhiều DN dệt may trong việc tự chủ nguồn nguyên liệu, từ đó nâng cao sức cạnh tranh cũng như tăng giá trị xuất khẩu. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu phục vụ cho xuất khẩu dệt may đạt 8,8 tỷ USD. Như vậy, thặng dư thương mại của ngành dệt may đạt 8,4 tỷ USD, tăng 29,2% so với cùng kỳ.